Nông nghiệp và môi trường: Sự gắn kết tất yếu vì phát triển bền vững
Việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thành lập Bộ Nông nghiệp và
Môi trường không chỉ là một sự thay đổi mang tính hành chính, mà còn phản ánh
tư duy chiến lược về mối quan hệ mật thiết giữa hai lĩnh vực. Nếu được quy
hoạch và phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm
trong việc giải quyết các thách thức môi trường, đồng thời tạo lập một nền kinh
tế xanh, ổn định và hiệu quả.
Mô
hình tích hợp giữa nông nghiệp và môi trường
Việc thành
lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường là một bước đi chiến lược, phản ánh xu hướng
tất yếu của phát triển bền vững. Nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất mà còn
là một phần của hệ sinh thái toàn cầu. Nếu biết cách khai thác hợp lý, nông
nghiệp có thể trở thành giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường, đồng thời
tạo dựng một nền kinh tế xanh, ổn định và phát triển lâu dài.
Từ lâu,
nông nghiệp được xem là một ngành phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên, đặc
biệt là đất, nước và không khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và
suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng, cách tiếp cận này không còn phù
hợp. Thay vì chỉ nhìn nhận nông nghiệp như một ngành tiêu thụ tài nguyên, cần
phải xem đây là một giải pháp quan trọng để bảo vệ và phục hồi môi trường.
Mô hình 1 triệu héc-ta lúa phát thải thấp tại ĐBSCL. Ảnh minh họa
Nông
nghiệp là giải pháp bảo vệ môi trường
Một trong
những vấn đề lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là ô nhiễm môi trường do
lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Việc thúc đẩy sản xuất theo
hướng hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học là giải pháp quan
trọng giúp giảm ô nhiễm đất và nguồn nước. Ngành chăn nuôi cũng cần có những
giải pháp kiểm soát chất thải hiệu quả hơn. Việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần
hoàn, xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc khí sinh học
(biogas) không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu
tác động tiêu cực của nông nghiệp đến môi trường là nông nghiệp sinh thái. Việc
ứng dụng canh tác hữu cơ, luân canh cây trồng, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ
giúp bảo vệ đất, nguồn nước mà còn tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp cân
bằng. Khi biết tôn trọng quy luật tự nhiên, nông nghiệp không những không phá
hủy môi trường mà còn giúp phục hồi lại những gì đã mất.
Ví như mô hình trồng rừng kết hợp với sản xuất nông
nghiệp (agroforestry) đang được nhiều quốc gia áp dụng như một chiến lược quan
trọng để giảm thiểu khí thải carbon, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ đa dạng
sinh học.
Sự phát
triển của khoa học công nghệ đang mở ra những cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả
sản xuất nông nghiệp mà không làm tổn hại đến môi trường. Ngành nông
nghiệp và môi trường cần quan tâm ứng dụng công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo
(AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào sản xuất nông nghiệp có thể giúp nâng cao
hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Chẳng hạn,
các hệ thống tưới nước thông minh có thể tối ưu hóa lượng nước sử dụng, giúp
tiết kiệm tài nguyên nước trong bối cảnh hạn hán ngày càng gia tăng. Các giống
cây trồng biến đổi gen có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, từ đó giảm nhu
cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.
Từ tư
duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Sự phát
triển của nông nghiệp không thể chỉ dừng lại ở sản xuất mà cần chuyển sang mô
hình kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng đến chuỗi giá trị và phát triển
bền vững.
Việt Nam đang dần hình hình, phát triển nông nghiệp
theo hướng kinh tế xanh. Cụ thể là việc xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ,
kết hợp với công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái sẽ tạo ra giá trị gia
tăng cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó
cần nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp. Mô hình hợp
tác xã kiểu mới, doanh nghiệp nông nghiệp xanh cần được khuyến khích để tạo ra
chuỗi cung ứng bền vững, hướng tới thị trường quốc tế. Việc xây dựng chuỗi cung
ứng bền vững, ứng dụng công nghệ để kiểm soát chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa
sản xuất sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, đồng thời
đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Báo điện tử của Bộ TN&MT