Áp dụng hệ thống HACCP trong chế biến nông sản – một hướng đi đúng đắn
Những năm gần đây
ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Nghệ An đã phát triển mạnh
đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đang cần những sản phẩm chế biến đảm bảo
dinh dưỡng và tiện lợi trong cuộc sống. Nhiều cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đã
đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản, kho lạnh… đầy đủ
quy mô, góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại một
phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.
Để đảm bảo giá trị
sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo vệ nguồn lực sản xuất, trồng
trọt và thu hái thì việc nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm đóng vai trò vô
cùng quan trọng. Từ thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cho ngành Nông nghiệp Nghệ An
nói chung và công nghệ chế biến sản phẩm nông sản nói riêng, phát triển theo định
hướng có quy mô, bền vững và theo các tiêu chuẩn quy định nhằm tạo ra các sản
phẩm hàng hóa đa dạng về mẫu mã, tiêu chuẩn cao về chất lượng và có giá trị cao
về kinh tế.
Hỗ trợ xây dựng
tiêu chuẩn HACCP cho các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Nghệ An, đã và đang được Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT triển khai, áp dụng.

Ông Trần Như Long
– Phó chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT cùng đoàn công tác lắng
nghe chia sẻ của cơ sở trong chương trình hỗ trợ xây dựng HACCP
Tiêu chuẩn HACCP
là tên viết tắt của cụm từ Hazard Analysis Critical Control Point – có nghĩa là
“hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”, hay “hệ thống phân
tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản
xuất và chế biến thực phẩm”. Các nguyên lý của HACCP được thống nhất trên toàn
thế giới và có thể áp dụng cho tất cả các ngành thực phẩm, đồ uống trong quá
trình phân phối và bán sản phẩm, áp dụng cho cả sản phẩm mới và sản phẩm đang
tiêu thụ trên thị trường.
An toàn thực phẩm và sự phù hợp của thực
phẩm cần được kiểm soát bằng cách sử dụng các phương pháp phòng ngừa dựa trên
cơ sở khoa học, ví dụ hệ thống vệ sinh thực phẩm GHP (Good Hygiene Practice)
phải đảm bảo rằng thực phẩm được sản xuất và xử lý trong môi trường giảm thiểu
sự có mặt của các chất ô nhiễm.
Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần
nhận thức được các mối nguy liên quan đến nguyên liệu, các thành phần khác, quá
trình sản xuất hoặc chuẩn bị, môi trường mà thực phẩm được sản xuất hoặc xử lý
phù hợp với sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tùy thuộc vào bản chất của thực phẩm,
quá trình sản xuất thực phẩm và khả năng gây ra các ảnh hưởng bất lợi đến sức
khỏe, để kiểm soát các mối nguy có thể áp dụng GHP, bao gồm: khi thích hợp, một
số GHP cần được chú ý nhiều hơn vì chúng có tác động lớn hơn đến an toàn thực
phẩm. Khi áp dụng riêng GHP, không đủ để kiểm soát thì phải áp dụng kết hợp cả
GHP và các biện pháp kiểm soát bổ sung tại các CCP.
Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát
phải được giám sát, các hành động khắc phục, kiểm tra xác nhận và tài liệu, phải
phù hợp với bản chất của sản phẩm thực phẩm và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm.
Các biện pháp kiểm soát đã được nhận diện trong một hoặc nhiều bước trong
suốt quá trình sản xuất:
+ Kiểm soát
môi trường
+ Sản xuất hợp vệ sinh
+ Xử lý, bảo quản và vận chuyển
+ Phân loại
thực phẩm để loại bỏ vật liệu không được sử dụng cho con người;
+ Thải bỏ hợp
vệ sinh mọi vật vật liệu không đạt tiêu chuẩn;
+ Bảo vệ thực
phẩm khỏi sự ô nhiễm bởi sinh vật gây hại, hoặc chất ô nhiễm hóa học, vật lý hoặc
vi sinh hoặc các chất không mong muốn khác trong quá trình xử lý (ví dụ:
phân loại, phân cấp, rửa), bảo quản và vận chuyển. Luôn cẩn thận để ngăn ngừa
sự giảm chất lượng và hư hỏng thông qua các biện pháp thích hợp có thể bao gồm:
kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và/hoặc các biện pháp kiểm soát khác.
Thực hiện xây dựng thành công các mô hình HACCP đã nâng
cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chế biến trên thị trường trong tỉnh cũng
như thị trường trong nước; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên
thị trường, khai thác lợi thế và khuyến khích phát triển, giải quyết đầu ra,
nâng cao giá trị sản phẩm cho sản xuất, chế biến tại Nghệ An. Tạo thêm công ăn
việc làm cho các lao động địa phương, nâng cao kỹ năng sản xuất đáp ứng yêu cầu
đảm bảo ATTP, tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho
quê hương, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để mở rộng thị trường xuất
khẩu chính ngạch.
Áp dụng hệ thống HACCP trong sản xuất đã góp phần hoàn
thiện quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản tại cơ sở; kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm từ
trong quá trình sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng
sản phẩm, hỗ trợ bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế
biến và PTTT trao Giấy chứng nhận HACCP cho đại diện Công ty TNHH thương mại và
dịch vụ Bảo Ngọc (Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Nguồn: Phạm Thi –Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển
thị trường.